Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Thế giới mới của Síu Phạm

Chọn làm phim độc lập là đứng về phía không biết. Nhà làm phim sẽ không chịu cái xoa đầu của chủ hãng phim, lịch sự từ khước cái bắt tay êm ái của khán giả. Họ dấn bước vào cái không biết, mà mỗi bộ phim lại là một cái không biết. Bằng hình dung của mình, khi đã có trong tay một kịch bản, một ý tưởng đảm bảo sự khác biệt, đạo diễn lựa chọn cho mình một mô hình sản xuất phù hợp. Mô hình này thay đổi tùy theo từng dự án. Cái đích của một bộ phim độc lập phải là, nên là một bộ phim nghệ thuật với cam kết thẩm mỹ, cam kết phản tư rõ ràng. Sự tổng hợp của các yếu tố này tạo ra một luật chơi khắt khe và nguy hiểm, đòi hỏi sáng tạo trong tối thiểu mang đến hiệu quả tối đa và quan trọng có khả năng đề xuất một ngôn ngữ điện ảnh thực sự mới mẻ.

May mắn thay, điện ảnh Việt Nam, xuất hiện một nhà làm phim độc lập đúng nghĩa, Síu Phạm, ở tuổi 63, với bộ phim “Đó hay đây”. Bộ phim là sự hợp tác của đạo diễn Síu Phạm với HK Film, tổ chức một đoàn chỉ chừng mười lăm người, dàn diễn viên nghiệp dư và một chiếc máy quay bán chuyên nghiệp so với những loại thường được dùng để quay phim chiếu rạp ở Việt Nam.

“Đó hay đây” miêu tả một ngày trong đời sống của một cặp vợ chồng già sống đời hưu trí nơi ngôi làng chài nhỏ miền Trung Việt Nam. Người chồng ngoại quốc, diễn viên Jean-Luc Melo chồng của Síu Phạm, vẫn thấy khó gần gũi với đời sống trên quê hương vợ. Ông dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng, người vợ ngái ngủ đặt tay lên ngực chồng và nói một câu bằng tiếng Pháp “Anh ướt mèm à”, cận cảnh đối thoại duy nhất giữa hai người suốt hai phần ba bộ phim. Câu nói đó lặp lại vài lần, là tinh thần bộ phim, là dòng chảy uốn quanh đời sống các nhân vật. Đứng trước gương vào buổi sáng, người chồng tưởng tượng mình cầm cây vỹ của violin cầm kéo trên đường gân trên cổ. Một hình ảnh vừa nghịch ngợm vừa buồn bã. Sau đó là hành trình tưởng tượng của mỗi người. Người chồng về với nước nhằm khỏa lấp ham muốn tình dục cũng như mong muốn trở thành một đạo diễn trong vô vọng và hành trình tìm chồng của người vợ.
Xuyên suốt bộ phim là những rộn ràng cơ thể dù không tươi trẻ nhưng vẫn đầy ham muốn. Chỉ có trong tay chiếc máy quay ông kính liền thân máy, tiêu cự cố định, đạo diễn lựa chọn quay những cảnh dài, cỡ cảnh rộng, uyển chuyển cùng nhịp điệu cơ thể người chồng, những dàn dựng mang dấn ấn của nghệ thuật trình diễn, bơi nghệ thuật, tạo lên những hình ảnh hài hước mà tuyệt vọng, đẹp đẽ và dằn vặt của trí tưởng tượng.

Thỉnh thoảng bộ phim còn được dựng chèn bởi những thước phim nhật ký, video diary, một thể loại của phim tài liệu, cảnh xây dựng miếu thờ trước cổng nhà của cặp vợ chồng già và ta chỉ nghe thấy những bình luận trao đổi của hai người mà không thấy nhìn họ. Với dàn diễn viên nghiệp dư rất khó để có những cảnh diễn cận, mặt đối mặt tốt đòi hỏi khả năng đài từ, biểu hiện cơ mặt, giữ cảm xúc khi quay đi quay lại, khi xử dụng video diary, tạo cảm giác riêng tư và trực tiếp, không gian bộ phim được mở rộng, đồng thời ta thấy được cái nhìn của họ về đời sống thực tế.
Sự đối thoại giữa các thể loại, hư cấu và phi hư cấu, ham muốn thực hiện một bộ phim của người chồng trào dâng thành những hình ảnh tưởng tưởng được tác giả xử lý rất nhuẩn nhuyễn. Đây chính là cam kết phản tư về phong cách phim. Với những nghệ sĩ tiên phong, làm phim đồng thời còn là đề xuất một cách hiểu, một cách làm phim mới và tìm hiểu sự bay bổng ngao du tưởng tượng ở con người. “Đó hay đây” là cái nháy mắt với nền điện ảnh Việt Nam, lâu nay bám chặt vào chủ nghĩa hiện thực.
Bộ phim đầu tiên mang nhiều dấu ấn tự truyện, tưởng chừng là cái kết thi vị cho tình yêu lúc xế chiều và cơn cuồng điện ảnh bao năm của vợ chồng Síu Phạm nhưng sau hai năm âm thầm đơn độc thực hiện, đạo diễn Síu Phạm mang đến bộ phim Căn phòng của mẹ. Sự khẳng định tư cách của điện ảnh tác gia, đã hình thành cho mình một ngôn ngữ điện ảnh và một cái nhìn bao quát, độc đáo vượt trên những suy nghĩ, cảm xúc đời sống riêng tư. Nếu bộ phim đầu tiên kết hợp với hãng phim chính thức ở Việt Nam thì bộ phim này đạo diễn hoàn toàn độc lập trong khâu sản xuất.

Với tất cả sự tự do, phóng khoáng và một tầm tư tưởng đáng kính ngạc, có trong tay mình loại máy quay phù hợp với thể loại phim tài liệu, rất cơ động và đảm bảo đến mức có thể khi quay thiếu sáng, nhưng sử dụng đa dạng những loại ống kính khác để có chất lượng hình ảnh tốt hơn. Đạo diễn Síu Phạm quyết định quay bộ phim hư cấu thứ 2 của mình với không một ngọn đèn hỗ trợ, phần lớn là ánh sáng tự nhiên, một điều quá sức mạo hiểm cho phim truyện. Dường như phải là sự tối thiểu đó, nó mới có khả năng lột tả được chủ đề về con người kiệt quệ trong một không gian xộc xệch, thay đổi chóng mặt, sự phi lý của nhịp mưu sinh choáng váng trong bầu không khí siêu thực với đủ loại âm thanh hỗn loạn không ngừng nghỉ.

Theo chân con người vô danh, bên lề xã hội, một người đàn ông trung niên lang thang mang theo một hộp quà về cho người mẹ già, người dường như đã hóa thân, bò lết hai tay hai chân quanh nhà, anh ta đã ly di vợ và có một cậu con trai đang tuổi mới lớn. Người đàn ông nhận một công việc từ người đàn ông lạ mặt. Công việc nhàm chán, dễ dãi và hoàn toàn vô vọng đó lại càng đè nén ẩn ức tình dục anh ta.

Một bộ phim không có quá nhiều hành động, rất nhiều hình ảnh được lặp đi lặp lại một cách có chủ đích và vẫn giữ được một giọng điệu vui đùa, hóm hỉnh, đạo diễn còn khiến bộ phim trở lên đa nghĩa hơn với cấu trúc chương hồi mà bắt đầu ở những điểm nhìn khác nhau, thỉnh thoảng một người lạ mặt được hóa trang thành một tên hề, thêm một vai diễn ấn tượng của Jean-Luc Melo, đối thoại với người xem. Những tên chương hồi xuất hiện trong một khung tranh mang tên: “món quà, giận dữ, công việc, kiểm soát, mong manh, chuyên môn, cầu Trời Phật giúp, bạn bè giúp đỡ, tự thú, thành công”, đây không phải chỉ dấu cho một cấu trúc ổn định cụ thể, với một cốt truyện giản dị như thế, người xem hoàn toàn có thể tái cấu trúc bộ phim cho riêng mình.
Với sự lựa chọn một dàn diễn viên nghiệp dư nhưng cực kỳ tuyệt vời này, “Căn phòng của mẹ” có thể hình dung về mặt cấu trúc âm thanh như là những tiếng nói của những kẻ bên lề theo cả nghĩa đen và bóng, sự câm lặng của người mẹ già, tiếng nói ốm yếu của người đàn ông trung niên, sự trẻ trung bất cần của đứa con chuyên beatbox khi nói chuyện, âm thanh lào khào bất lực của người vợ. Cũng như bộ phim trước, những đối thoại, những cái nhìn né tranh lọt thỏm trong bầu âm thanh mang âm hưởng phim viễn tưởng vây quanh các nhân vật.

Với cấu trúc đặc biệt như vậy cách đạo diễn quay bộ phim cũng phong phú hơn bộ phim đầu tiên, đặc biệt là những cú máy dài di chuyển uyển chuyển và kệt hợp rất chính xác với diễn xuất hình thể của diễn viên. Những quang cảnh khác biệt được đặt cạnh nhau gây một ấn tượng tương phản mạnh mẽ. Lố nhố những tòa nhà cao tầng, những mương rạch đen đúa bẩn thỉu, những đường hầm, cầu ngầm tối thui, kênh rạch ngổn ngang đất đá, những con đường sáng choang bất tận, những cảnh đường phố ngày lễ Tết được quay ngẫu hứng theo kiểu phim tài liệu, cốt để lấy không khí nhưng dựng vào phim mang lại hiệu ứng tương phản, dồn nén để rồi bùng vỡ, như cảnh tòa nhà cao “nôn ọe” thẳng vào máy quay. 


“Căn phòng của mẹ” rất mở, mở trong những cách tiếp cận nội dung hình thức, mở trong cách làm phim tối thiểu, sở hữu một thứ ngôn ngữ điện ảnh ngẫu hứng, cực đoan. Lần này đạo diễn Síu Phạm thể hiện sự cam kết thẩm mỹ với cái xấu, cái đen tối. Bởi cái xấu, cái đen tối đó cũng là giá trị, nhất là cho sự thật. 

Nhãn: ,